VOV.VN – Suốt 4 năm qua, “Sát cánh cùng gia đình Việt” đã lặng thầm làm nên điều kỳ diệu, giúp hồi sinh bao mảnh đời bất hạnh.
Khắc khoải cùng những nỗi đau
4 năm qua, cứ 7h30 phút mỗi sáng thứ Năm hằng tuần, hàng ngàn thính giả miền Nam lại lắng lòng với những câu chuyện cảm động trong chương trình phát thanh thực tế “Sát cánh cùng gia đình Việt” do Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) thực hiện.
Trên nền nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng, chất giọng truyền cảm, mộc mạc của biên tập viên Trương Thị Hồng Thúy khiến thính giả rơm rớm nước mắt. Hôm nay, chị mang đến cho người nghe tin vui về ca phẫu thuật thành công của cô bé 19 tháng tuổi có trái tim… không nằm đúng chỗ – Võ Ngọc Bảo Tâm. Giọng chị thủ thỉ: “Hôm nay, gần tròn một tháng nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, con gái Võ Ngọc Bảo Tâm đã được đưa trở ra trong vòng tay yêu thương của ba, mẹ và đội ngũ y, bác sĩ khoa Tim mạch.
Biên tập viên Hồng Thúy trò chuyện cùng nhân vật cần giúp đỡ của chương trình
Khi cô nhìn xuống bụng con, trái tim con không còn nằm ở đó nữa mà được trả về đúng vị trí. Cảm xúc dâng trào, con gái à! Điều kỳ diệu đã đến với con rồi đó. Không bao lâu nữa con sẽ được ra viện, được trở về bình yên bên ba, mẹ và chị gái…”. Thính giả không cảm động sao được khi trong từng lời nói, cách nhấn nhá của nữ biên tập viên chất chứa bao cảm xúc thương yêu mà cô dành cho nhân vật của chương trình.
Với nhà báo Hồng Thúy, hơn 4 năm thực hiện “Sát cánh cùng gia đình Việt” là chừng đó thời gian chị sống cùng tiếng khóc, nụ cười của nhân vật. Còn nhớ, năm 2011, chương trình ra đời trong sự hoài nghi của nhiều người rằng: “Một chương trình thực tế mà làm phát thanh thì sao thành công được?!”. Nhưng rồi, con số ấn tượng về số tiền quyên góp 20 tỷ đồng cùng trên 20 ngàn lượt người ủng hộ đã xua tan mọi hoài nghi. Để có được kết quả như ngày hôm nay, biên tập viên Hồng Thúy cùng ê-kíp thực hiện chương trình đã trải qua bao khó khăn vất vả.
Tiêu chí ban đầu của chương trình chỉ là tân trang xe máy cho người nghèo có phương tiện mưu sinh. Nhưng đi nhiều, gặp nhiều, ê-kíp thực hiện cảm thấy xót xa với bao mảnh đời bất hạnh nên từ năm 2012, “Sát cánh cùng gia đình Việt” quyết định mở rộng đối tượng giúp đỡ. Từ đó, từng ngõ ngách của bao thôn xóm nhỏ ở TP.HCM hay các địa phương nghèo tại khu vực Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và cả các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên trở nên quen thuộc với bước chân lặng thầm của những biên tập viên nặng nợ với người nghèo.
Nhân vật chương trình giới thiệu kêu gọi giúp đỡ có khi là cụ già neo đơn, khi là mấy em học trò nghèo, lắm lúc lại là những người bệnh nặng cần cứu chữa gấp, hay những đôi mắt cần được mổ để tìm lại ánh sáng… Cũng có lúc đó là những địa phương cần xây cầu, sửa đường, xây nhà chống lũ… Mỗi trường hợp, chương trình có cách chuyển tải riêng nhưng tất cả đều dùng những “lời nói đi từ trái tim đến trái tim” với mong muốn “sẽ làm nên điều kỳ diệu”.
Lan tỏa thương yêu
Điều kỳ diệu mà “Sát cánh cùng gia đình Việt” mang lại là những thay đổi của bao phận đời cùng cực tưởng chừng không lối thoát. Như câu chuyện của bé Võ Ngọc Bảo Tâm (Dĩ An, Bình Dương). Ngay sau khi trường hợp cảm động của em bé đặc biệt này được chương trình chia sẻ trên làn sóng phát thanh, không lâu sau, thính giả đã chung tay ủng hộ gia đình Bảo Tâm hơn 430 triệu đồng. Nhờ số tiền này mà cuối tháng 6 vừa qua, cô bé đã hoàn thành 2 ca phẫu thuật để đặt trái tim vào đúng vị trí.
Có khi mỗi tháng, BTV Hồng Thúy lặn lội hơn 10 tỉnh, thành tìm gặp nhân vật cần giúp đỡ
Chị Đỗ Thị Kim Tuyết, mẹ bé Bảo Tâm xúc động nói: “Gia đình tôi biết ơn chương trình, biết ơn các bác sĩ và các mạnh thường quân nhiều lắm. Nhờ chương trình mà con tôi được hồi sinh”. Tổng số tiền 2 ca phẫu thuật cho bé Bảo Tâm hết 280 triệu đồng. Dù cuộc sống rất chật vật nhưng gia đình chị Tuyết chỉ nhận thêm 20 triệu đồng lo hậu phẫu cho bé, còn 130 triệu đồng, chị gửi lại chương trình với mong muốn sẽ có thêm nhiều đứa trẻ đáng thương như con chị được giúp đỡ kịp thời.
Điều kỳ diệu lớn hơn mà “Sát cánh cùng gia đình Việt” làm được đó chính là lan tỏa những tấm lòng sống vì người khác. Chưa có chương trình nào mà ban biên tập chương trình lại phải nghẹn ngào khi nhận tiền ủng hộ của thính giả nhiều đến thế. Bởi bên cạnh những người dư dả, rất nhiều mạnh thường quân của chương trình là những người… rất nghèo.
Họ phải sống thật tiết kiệm, không dám ăn tô bún 20 ngàn, không dám đi xe ôm, phải tăng ca, làm thêm nhưng vẫn muốn dành tặng những đồng tiền quý báu ấy cho những người còn nghèo hơn. Ông Lê Văn Sơn, 53 tuổi, ở trọ tại Q. Thủ Đức, TP.HCM là một trong những “mạnh thường quân” đặc biệt như thế. Chạy xe ôm ở bến xe miền Đông với mức thu nhập chưa tới 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống bấp bênh. Vậy mà có vài ba chục tiền dành dụm, ông lại chạy tới Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM ủng hộ chương trình.
Khi rảnh rỗi, ông lại đi xin quần áo cũ của người ta rồi mang đến nhờ ban biên tập gửi tặng người nghèo. Ông Sơn trải lòng: “Tôi thấy những câu chuyện trong chương trình hay quá, xúc động quá. Mình nghèo, nhưng nếu được, vẫn luôn sẵn lòng giúp những người khổ hơn”. Cũng như ông Sơn, gần 4 năm nay, cứ cuối tháng, bà Phan Thị Hoa, 65 tuổi, ở Q.12, TP.HCM lại trích 10% trong số tiền lương hưu ít ỏi của mình rồi vận động thêm con cháu, xóm giềng để có tiền ủng hộ các nhân vật của chương trình.
Đều đặn như lịch hẹn lên sẵn, đến cuối tháng, bà lại lên xe buýt, mang đến ủng hộ chương trình 6 triệu đồng. “Tôi mong sao ngày càng có nhiều người ủng hộ để chương trình lớn mạnh, để bà con mình bớt khổ”, bà Hoa tâm sự.
Hơn 4 năm qua, chương trình phát thanh “Sát cánh cùng gia đình Việt” đã lặng thầm làm nên điều kỳ diệu. Lòng nhiệt huyết và trái tim đồng cảm của những người thực hiện đã và đang giúp chương trình ý nghĩa này đến gần hơn với những trái tim đồng cảm để cùng lan tỏa thương yêu./.