...Mắt trái, một mảnh đạn ghim sâu vào đó đã lấy đi ánh sáng của Bà.
Hơn 20 năm nay, hình ảnh quen thuộc với người dân trong một con hẻm nhỏ ở quận 8...
Đó là, ngày nào cũng thế, nơi chiếc ghế được đặt trước cửa một căn nhà cũ kĩ – Bà Tú Ngọc ngồi đó, tay thoăn thoắt đan len.
Bà vừa đan, vừa hát. Trong giọng hát ấy, chứa đựng cả một bầu trời kí ức về những người đồng chí, đồng đội của Bà đã mãi nằm lại cho hòa bình của dân tộc…
Ở cái tuổi gần 85, Bà có thể đã quên nhiều thứ, nhưng điều mà Bà lại không thể nào quên, đó chính là từng mũi đan, từng đường chỉ để làm sao cho được ra những cái khăn, cái nón với đủ sắc màu.
Bà tin rằng, khi những món quà nhỏ này được trao đi chắc chắn sẽ mang đến nhiều niềm vui và cả sự ấm áp cho người nhận.
Người nhận ấy, chính là những đứa trẻ con trên miền núi cao mà bà chưa từng gặp, chưa từng biết tên, nhưng Bà biết, tụi nhỏ phải đi qua mùa đông giá rét trong manh áo mỏng mùa hè.
Bà muốn gửi đến nơi ấy chút tình thương để vỗ vễ những đứa trẻ.
Những đầu ngón tay của Bà Ngọc được quấn bởi những mảnh vải…Vì bởi, mũi que đan theo ngày tháng đã bào mòn da tay của bà, đau nhức chứ - nhưng bấy nhiêu đó có là gì đâu.
Với bà, có thêm 1 đứa trẻ được sưởi ấm thì lòng lại càng vui, càng hạnh phúc nên bà tâm nguyện, sẽ đan khăn, đan nón cho đến khi nào mắt không còn nhìn thấy, tay không còn cầm nổi que đan nữa thì mới thôi.
Sài Gòn, TP. HCM, 10 năm, 20 năm và có lẽ thêm những ngày tháng tươi đẹp ở phía trước nữa, trong một con hẻm nhỏ...
...Bà Tú Ngọc sẽ lại ngồi đó, bà sẽ tiếp tục đan, sẽ tiếp tục hát, tiếng hát từ Trái tim của một người Bà từng đi qua đạn bom.
Bà nói, mình may mắn còn được sống, được thở cùng nhịp thở bình yên của Đất Nước nên phải làm được gì, dẫu là bé nhỏ nhưng có thể mang lại niềm vui cho ai đó, vậy là hạnh phúc…
Và mới đây, khi nhìn thấy hình ảnh mà ekip gửi cho Bà xem những đứa trẻ trên Mường Tè, Lai Châu đội từng cái nón len, cái khăn len do chính tay mình đan…Bà cười tươi rói.
Nụ cười của người nữ thương binh ấy đẹp và thương đến lạ...