24h) – Chỉ còn vài ngày đã đến tết nhưng trên mỗi nẻo đường vẫn còn những người bán hàng rong. Họ cố kiếm nhặt được ít nào hay ít đó.
Hành lý về quê
những ngày cận tết của một số người tha phương còn có cả những món hàng đem theo để bán dọc đường.
Cả một năm mưu sinh vẫn túng thiếu, họ hi vọng ráng vớt vát kiếm thêm được chút tiền trên đường hồi hương…
Chiều 26 tết, cái nắng hanh hanh khó chịu vẫn không ngăn được một người đàn ông đứng bên lề đại lộ Bình Dương, lui cui cột lại những chậu gốm chất đầy trên một chiếc xe gắn máy cũ kỹ để chở theo trên đường về quê ở Châu Thành, Trà Vinh.
“Hi vọng chuyến về quê này kết hợp với việc bán gốm dạo sẽ kiếm được thêm chút đỉnh, lo cái tết cho vợ con…” – anh Nguyễn Văn Hùng, tên người đàn ông, quệt những giọt mồ hôi trên trán nói.
Bán dạo hàng gốm trên đường phố TP.HCM.
“Được đồng nào hay đồng đó”
Anh Hùng kể anh từ quê đến Bình Dương làm thợ gốm được hơn bảy năm. Mỗi năm, vào dịp cận tết, lẽ ra đón xe đò về quê thì anh lại đi về bằng xe gắn máy, vừa đỡ phải lo chuyện xe cộ đi lại khó khăn, vừa kết hợp chở thêm ít chậu gốm bán lại cho bà con, chòm xóm ở quê.
“Những người quen biết tui làm ở gốm Lái Thiêu hàng rẻ mà chất lượng rất tốt nên thường nhờ đặt mua hàng chính gốc tại lò. Chả lẽ chỉ chở về có dăm ba cái thì chẳng bõ. Thôi thì bỏ ít tiền dành dụm mua thêm một số gốm bán dọc đường, kiếm được đồng nào hay đồng đó…” – anh Hùng nói.
Mấy mùa tết trước, nhờ bán dạo dọc đường, anh Hùng kiếm được tiền lãi vài trăm ngàn đồng. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng đủ sắm sửa được bộ quần áo mới cho hai đứa con nhỏ. “Còng lưng chở gốm trên xe để bán dọc đường dù có cực thân nhưng nhìn mấy đứa nhỏ cười tươi, mừng rỡ vì có bộ đồ mới là tui thấy sướng rồi. Chứ lương thợ ba cọc ba đồng, tiền đâu mà sắm sửa tết cho con…” – anh Hùng tâm sự.
Trên quốc lộ 1A, đoạn từ Dầu Giây (Đồng Nai) xuôi theo hướng miền Trung, một người đàn ông trạc 40 tuổi đang tất tả dựng chiếc xe gắn máy bên vệ đường, ghé vào quán nước kêu vội một ly nước mía và uống ừng ực. Trên xe, những bức tranh phúc – lộc – thọ, hoành phi câu đối, tranh tứ linh… loại bình dân dùng để trang trí bàn thờ gia tiên chất cao ngất.
“Tui làm nghề bán dạo loại tranh này ở Sài Gòn nhưng quê ở ngoài Điện Bàn, Quảng Nam. Tết năm nào cũng vậy, thay vì phải đón xe đò về quê vừa tốn kém vừa phức tạp, tui chạy luôn xe gắn máy và chở sẵn mấy bức tranh bán dạo hằng ngày của mình để bán dọc đường kiếm thêm chút đỉnh” – anh Huỳnh Hoàng Đức Dũng, người chở tranh bán dạo, nói.
Sáu cái tết qua, anh Dũng trọ ở Biên Hòa, đều về quê đón tết bằng xe gắn máy cùng “quầy” tranh lưu động của mình. Ngày thường, anh bán dạo tranh ở vùng ven TP.HCM và Đồng Nai, Bình Dương. Bắt đầu từ tháng chạp, anh Dũng vay mượn của bạn bè hơn chục triệu mua thêm tranh, chuẩn bị cho chuyến khởi hành về quê kết hợp với việc bán tranh dạo.
Vừa đi vừa bán, vừa ngủ “bụi” dọc đường, anh về đến nhà sớm nhất cũng phải chiều 30 tết. Anh bảo: “Những ngày tết, dọc các vùng quê người ta mua tranh trang trí bàn thờ rất nhiều và cũng ít trả giá kỳ kèo như ngày thường nên hầu như về đến quê thì hàng mang theo đều bán hết.
Tui không chỉ đi theo quốc lộ mà còn rẽ vào các đường làng nên bán được nhiều hơn cả bán dạo hằng ngày. Có năm may mắn, mới đi được nửa đoạn đường về nhà thì đã hết hàng. Nhờ vậy mà kiếm được thêm một vài triệu đồng lo cái tết cho gia đình”.
Tết năm trước, hàng bán chậm, mãi đến quá giao thừa anh Dũng mới chạy xe về đến nhà. Bức tranh cuối cùng bán được vào lúc gần giao thừa. Vợ và ba đứa con nhỏ chờ sẵn ngoài cửa, nhào đến ôm chầm lấy anh…
Nỗi lo… lỗ vốn
Không bán hết hàng hoặc hàng bị hư hỏng, mất mát dọc đường về quê là nỗi lo lớn nhất của những người mưu sinh trên đường. Anh Hùng tâm sự: “Cực chẳng đã muốn kiếm thêm ít đồng lo cho gia đình mới có vài người vừa về quê vừa bán dạo như tụi tui. Lo nhất là lỗ vốn, chỉ cần lỡ làm ngã xe, va chạm làm bể một hai chậu gốm thì coi như tiêu”.
Anh Hùng kể tết hai năm trước, trên đường bán dạo về đến Tiền Giang thì bị quẹt xe, bể hết hai chậu gốm loại cao cấp, xem như lỗ nặng. May mắn là vài khách hàng khá giả mua được những món hàng gốm ưng ý đã lì xì cho anh thêm ít tiền nên cũng bù vào được một phần tiền vốn bị mất.
“Mưu sinh dọc đường về quê không chỉ vất vả mà nguy hiểm lắm. Vì đường sá đông đúc, xe cộ qua lại nườm nượp, mình lại chở cồng kềnh, lắm khi bị công an phạt hoặc bị va chạm thì coi như tiền thu vào không bằng tiền bỏ ra” – anh Dũng nói.
Mùa tết năm trước, trong một lần ngủ quên tại một quán nước dọc đường ở Quảng Ngãi, anh Dũng suýt bị kẻ gian lấy trộm mấy bức tranh phúc – lộc – thọ, may nhờ người đi đường phát hiện ngăn chặn.
Mong sao không “chở củi về rừng” là cái đích rất đơn sơ của anh Nguyễn Thành Minh – một người chở rượu dừa bán dạo cuối năm. Anh Minh quê ở Bình Đại (Bến Tre), đầu tháng chạp anh mua hơn 400 bình rượu dừa, chở lên TP.HCM bán dạo.
Vẫn còn gần 100 bình chưa bán được mà tết đã sắp đến, anh quyết định hạ giá bán từ 50.000 đồng xuống còn 40.000 đồng/bình. Chất đầy những bình rượu dừa rong ruổi từ nội ô ra đến ngoại thành, anh Minh nói ráng bán cho đến chiều 30 tết, còn bao nhiêu bình sẽ chở bằng xe gắn máy về bán dạo ở Bến Tre.
“Bán có khi chỉ huề vốn thôi, nhưng không lẽ chở củi về rừng, Bến Tre là xứ dừa mà. Ráng xả hết hàng cho nhẹ gánh mà cũng bớt nặng lòng!” – anh Minh nói.
Hòa với dòng xe cộ đang tất tả ngược xuôi trong những ngày cận tết, những người mưu sinh trên đường về quê luôn nặng lòng với ước mơ nho nhỏ về một cái tết đơn sơ, giản dị…