NGHỀ BÁO – Là phóng viên chuyên viết về đề tài xã hội, chị luôn tạo cho mình một áp lực làm thế nào để những hoàn cảnh khó khăn có thể thay đổi được số phận.
Làm sao lay động được trái tim hàng ngàn thính giả nghe đài, đó là câu hỏi được đặt ra trước một chương trình phát thanh thanh chỉ vỏn vẹn 30 phút phát sóng do chị thực hiện dành riêng cho người nghèo. Chị là nhà báo Trương Thị Hồng Thúy – công tác tại Phòng Biên tập khoa giáo – Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM.
Khi là sinh viên đã cộng tác với VOH, vậy điều gì đã khiến chị gắn liền với mảng xã hội cho đến tận bây giờ?
Khi còn là CTV của Đài VOH, tôi may mắn được các cô chú đi trước giao viết nhiều phóng sự xã hội về những mảnh đời, những góc khuất của cuộc sống đời thường. Tôi đi nhiều, tiếp xúc nhiều, bước chân không làm tôi cảm thấy mỏi mệt khi được lang thang khắp nơi với các chị bán hàng rong, các bác xích lô, xe ôm, em bán báo dạo, anh chị lao công… mỗi người là một số phận. Khi trò chuyện và “chạm” được vào nỗi niềm sâu kín trong trái tim họ, bài viết của tôi như tràn trề cảm xúc hơn và vì thế mà dễ đi vào lòng người, dễ lay đọng được thính giả nghe Đài. Tôi thích những gì nhẹ nhàng mà sâu lắng, những con người mà tôi gặp và viết về họ chỉ bình thường thôi nhưng nếu “khai thác” được họ rồi thì thú vị vô cùng, ai cũng có thể tìm được mình trong những con người bé nhỏ ấy.
Hầu hết các loại hình báo chí đều có thông tin và bài viết về các mảnh đời bất hạnh cần được hỗ trợ, vậy làm thế nào một chương trình phát thanh nhân đạo mà cụ thể là Sát cánh cùng gia đình Việt có thể tạo ra điều mới lạ thu hút và có được sự đồng cảm từ thính giả? Và thị hiếu của người nghe bây giờ ra sao?
Mỗi loại hình báo chí đều có một thế mạnh riêng, một góc khai thác riêng, một đối tượng riêng, không ai giống ai cả. Với tôi, khi đảm nhận chương trình xã hội mà cụ thể là Sát cánh cùng gia đình Việt khi thực hiện, cần có một trái tim biết rung động, biết đau nỗi đau cùng với nhân vật, cảm nhận được vị mặn của giọt nước mắt mà nhân vật đang rơi… có như thế thì mới chuyển tải được câu chuyện của nhân vật đến thính giả để từ đó, họ không chỉ nghe mà còn “thấy” được tất cả những gì chúng ta muốn nói.
Tôi cho rằng bây giờ thính giả có rất nhiều sự lựa chọn loại hình để xem-đọc-nghe… nếu mình không thu hút được họ, ngay lập tức họ sẽ chuyển kênh. Chính vì vậy mà với chương trình 30 phút ngắn ngủi, tôi buộc bản thân mình phải làm sao để “níu tai” thính giả ngay những phút đầu tiên…
Chị đã níu kéo thính giả bằng “thủ thuật” gì?
Lúc mới tiếp nhận chương trình này, tôi liên tục bị stress vì không tìm được lối đi cho chương trình. Trên mạng hầu như rất hiếm hoi về về những tài liệu liên quan đến phát thanh thực tế, tôi loay hoay không biết làm thể nào để chuyển tải câu chuyện, vì nếu làm không khéo, thính giả sẽ chán và không ủng hộ chương trình. Thế là sau đó tôi tự nghĩ ra “tài liệu” riêng cho mình… Tôi khai thác nhân vật ở những nỗi niềm sâu kín nhất của họ, để họ chia sẻ tự nhiên mà không cần theo một “trật tự” nào, khi hoàn chỉnh chương trình, tôi thường chọn những chia sẻ đắt giá nhất để đưa âm nhạc vào, dùng lời bình để đẩy cảm xúc của thính giả lên đến tột cùng và khi đó cảm xúc họ sẽ vỡ òa ra… lúc đó, ít ai mà quay lưng với mình được.
Với con số hơn 4 tỷ đồng mà thính giả nghe Đài đã quyên góp cho chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt sau 2 năm lên sóng, là người xây dựng chương trình từ số đầu tiên, hẳn trong chị lắng đọng rất nhiều cảm xúc khó quên?
Mặc dù bản thân tôi vừa phải tìm nhân vật, vừa tự đi khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh từng nhân vật, phỏng vấn, đọc, pha nhạc… rất nhiều khâu để có thể hoàn thành được chương trình, chuyện đi sớm về khuya đã không còn lạ gì với tôi nhưng tôi luôn cảm thấy may mắn khi được thực hiện chương trình này. Mỗi chuyến đi của tôi là một câu chuyện không dễ gì quên, nhờ chương trình mà tôi đã biết sống chậm hơn, biết yêu thương nhiều hơn. Hàng trăm gia đình đã được vượt qua nghèo khó, bệnh tật, bao em thơ được quay lại trường học, nhiều bệnh nhân được khỏe mạnh sau những ngày dài đau ốm vì không có tiền… tôi hạnh phúc vì tất cả những điều đó. Cũng nhờ chương trình mà tôi đã biết rằng trong cuộc sống ồn ào này, tình yêu thương giữa con người và con người không hề vơi đi. Họ sẵn sàng đến với nhau những lúc cần. Những bàn tay nắm bàn tay, những trái tim hòa chung nhịp đập mặc dù không hề biết mặt nhau. Trong hơn 4 tỷ đó, có sự góp sức của chị lượm ve chai ở Hoóc Môn, anh bán dép lề đường, chị bán bánh mì dạo, cô giáo nghỉ hưu, bà cụ gần 90 tuổi, các bạn công nhân với đồng lương ít ỏi… Họ đã cho đi mà không hề đòi hỏi sẽ nhận lại điều gì. Bản thân tôi đã biết bao lần mang tiền trả lại cho thính giả đến ủng hộ bởi người đi ủng hộ đôi khi còn khó khăn hơn cả nhân vật trong chương trình.
Hồng Thúy đang tác nghiệp
Ông Thái Văn Hợp, quê ở Sóc Trăng, là người khiếm thị một mạnh thường quân, đã theo dõi chương trình suốt hơn 1 năm, ông chia sẻ: “ Có lẽ nói Hồng Thúy và cả chương trình đã làm cho con người trở nên gần nhau hơn. Tôi còn nhớ mãi một câu chuyện để thấy được điều đó. Là một thính giả nghe đài và cũng biết được hoàn cảnh thông qua chương trình, tôi đến và ủng hộ cho một cô gái vì mắc bệnh ung thư có đứa con nhỏ, chồng thì bỏ đi. Đó là sự giúp đỡ giữa con người với con người lúc gặp khó khăn. Thế nhưng điều mà tôi nhận lại được đó là sau khi cô gái chữa lành bệnh, cô đã tìm đến tôi và xin tặng tôi một con mắt để tôi có thể nhìn thấy. Tôi xúc động đến không cầm được nước mắt. Về bản thân Hồng Thúy thì không có gì có thể nói, một cô phóng trẻ có tâm huyết và hết lòng vì mọi người, bản thân và cả bạn bè tôi đều đề cao tấm gương đáng được lớp trẻ ngày nay noi theo này”. |
Anh Kim Thuận, quê ở Trà Vinh, là một nhân vật được phát sóng cách đây vài tháng. Vợ mất từ lúc sinh đứa con thứ 2, một mình anh tần tảo nuôi hai đứa con nhỏ, một đứa năm nay tròn một tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh, đứa 7 tuồi thì thần kinh não có vấn đề. Sau khi phát sóng trong vòng 3 tuần gia đình anh đã nhận được 120.000.000đ. Bé gái út đã được chương trình đưa đi mổ tim với số tiền 51.000.000đ và nhận được sổ tiết kiệm 52.000.000đ. Anh Hợp tâm sự: “Nếu không có chương trình giúp đỡ thì chắc bản thân tôi không biết làm thế nào để lo cho con cả. Bản thân rất cảm ơn chương trình và cả Hồng Thúy, đã cho chúng tôi thêm nghị lực để sống”. ) |
Khi chúng tôi cùng Hồng Thúy đi đến nhà chị Trịnh Thị Thu Dung, đang sống trong một ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm Đường số 20-KP1 Phường Bình Hưng Hòa- Quận Bình Tân. Chương trình đã đến nhà để sửa chữa và tân trang chiếc xe máy cho chị đi làm để nuôi một mẹ già và một đứa con trai vừa bước chân vào lớp 11, mặc dù lúc đó bị bệnh tim rất nặng nhưng chị không đầu hàng số phận mà vẫn cố gắng đi làm bởi mẹ và con chị không còn chỗ dựa nào khác. Nay đứa con trai đã tốt nghiệp lớp 12 với số điểm rất cao, tuy nhiên chị Thu Dung – sau những năm tháng dài gắng gượng chóng chọi với căn bệnh tim rất nặng, bị hẹp vai hai lá, hở van chủ, vôi hóa động mạch, rung nhĩ, suy tim độ 3..và vì tương lai của đứa con trai duy nhất, vì 1 người mẹ già không còn sức lao động, chị đã đứng lên mạnh mẽ gánh vác gia đình bằng công việc đi rửa ly trong một xưởng thủy tinh tư nhân- để rồi ngay trước thềm con trai bước chân vào kì thi Đại học, chị đã gục ngã và nằm liệt một chỗ, chỉ còn khoảng 35kg và nói chuyện rất khó khăn, sự sống của chị chỉ còn như ngọn đèn heo hắt trước gió.
|
Mới bước chân vào đầu cửa, chị Dung đã nhòm người dậy, kêu liên tục 2 tiếng thân thương, Hồng Thúy, Hồng Thúy… Vốn là người có tâm hồn nhạy cảm chị vội ngồi xuống và nắm lấy bàn tay chị Dung một cách thân thiết và trìu mến. Cô Liên mẹ chị Thúy vội kể cho chúng tôi nghe, ngày nào chị Dung cũng nhắc đến chị Thúy, lúc lên cơn đau lại gọi tên Hồng Thúy, vì chị Dung bảo chỉ có Hồng Thúy mới giúp được con khỏi bệnh. Nghe câu nói đó, ai chúng tôi trong tôi trong đoàn cũng đều thấy cay cay ở khóe mắt. Về bản thân Hồng Thúy dù biết căn bệnh chị đã bị bác sĩ trả về nhưng vẫn cố động viên nhân vật của mình: chị phải cố lên, khỏe mạnh thì Hồng Thúy mới thường xuyên đến thăm chị. Và hơn hết Hồng Thúy và bạn nghe đài cũng muốn gặp gỡ trò chuyện với chị trong ngày họp mặt cuối năm tổng kết của chương trình… |
Vân Nguyễn